Tuy Hòa, nơi chim yến bay về sum vầy giữa thành phố trẻ

Từ cuối tháng 2/2005, một số người đã phát hiện một đàn chim yến khoảng 40-50 con kéo về trú và làm tổ tại một căn nhà ngay trên con đường sầm uất nhất của thành phố trẻ Tuy Hòa. Đó là gian nhà phía sau dùng để xe của Công ty cổ phần Sách và thiết bị trường học Phú Yên (221-223 Trần Hưng Đạo, phường 4).

Ngày 10/3/2005, ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc sở Khoa học-Công nghệ Phú Yên cho biết: một số người đã cạy gần 10 tổ yến ở đây về ngâm rượu uống, nấu cháo ăn,… và việc chim yến xuất hiện ngay giữa thành phố là một điều quá đáng mừng, đơn vị đang bàn cách bảo quản, nghiên cứu.

Yen Sao A ĐồngThế là “vàng trắng” đã thực sự về xây nhà tại thành phố Tuy Hòa! Ban đầu, nhiều anh chị ở cửa hàng sách 223 Trần Hưng Đạo thấy hàng đàn chim nâu nhỏ bay ra vào nhưng cứ ngỡ là dơi; một số người đã tranh cãi rất hăng, rồi kéo nhau đi hỏi một cán bộ Sở Khoa học-Công nghệ tỉnh và thế là tin vui lan truyền. Anh Hùng, một người gởi xe ô tô tại gian nhà này nói: “Thấy phân chim cứ vãi đầy trên tấm phủ xe, tôi rất bực, cứ tưởng dơi nhưng nào ngờ… quý như thế này…”. Anh Nghĩa, nhân viên bán sách của Công ty thì vừa bật bóng đèn vàng ệt của căn xép, vừa kể: “Tháng trước, chim bay tứ tung, ỉa đủ chỗ, cả lên sách bán. Mấy bữa nay chắc nhiều người đến coi nên chim bay bớt rồi,… nhưng ban đêm, chim vẫn về nhiều. Thấy mấy người chọc khều mấy miếng trắng trắng nhưng tui đây có biết là tổ yến sào…”. Căn phòng tối quá, chỉ đôi chú yến bay vun vút và toàn thấy phân chim là phân chim, cái máy ảnh với đèn flash của tôi… đành chịu.”

Trong cuốn “Phủ biên tạp lục”, nhà bác học Lê Quý Đôn ghi: “Các phủ Thăng Hoa, Điện Bàn, Quy Nhơn, Phú Yên, Bình Khang, Diên Khánh, Gia Định có nghề lấy yến sào. Hằng năm, cứ đến tháng 2, những người làm nghề chọc tổ yến thì phải nộp tổ non 120 tổ…”. Và nhiều tài liệu khác ghi chép cho thấy nghề lấy yến sào ở các đảo ven biển Phú Yên đã có từ rất lâu nhưng nguồn ở đây chưa nhiều nên các vua nhà Nguyễn không thành lập các đội yến sào, yến hộ như các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và Khánh Hòa. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phú Yên Trần Sĩ Huệ nói: “Ở Phú Yên có chim yến nhưng chim làm tổ trong nhà ở giữa phố thì quá lạ. Thông thường vào mùa lạnh, chim yến mới xuất hiện. Và chắc chắn môi trường ở thành phố Tuy Hòa trong lành và dễ thích nghi nên chim yến mới kéo về trú ngụ. Đây là một tin vui báo hiệu sự phát triển của thành phố trẻ Tuy Hòa…”. Còn ông Đào Tấn Hoàng, Chủ tịch UBND thành phố Tuy Hòa cũng phấn khởi: “Đây là một niềm vui lớn của toàn thành phố, chúng tôi sẽ chỉ đạo tiếp tục gìn giữ và phát huy việc chim yến xây tổ…”. Qua điện từ Nha Trang, nhà báo “yến học” Xuân Hòa (Thanh Niên) xúc động: “Xin chúc mừng Tuy Hòa…”.

Phát biểu trên Báo Phú Yên ngày 7/3/2005, ông Nguyễn Văn Do, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản Phú Yên cho biết: đơn vị đang phối hợp với các ngành chức năng để khoanh vùng và cùng với Công ty cổ phần Sách và thiết bị trường học Phú Yên để bảo vệ hiện trường, tìm cách phát triển đàn chim yến. Tuy nhiên, Công ty này cho biết vẫn chưa nhận được thông tin gì về việc quản lý khu vực chim yến kéo về…